Sailfin molly – Cá Trân Châu – Cá Mô Ly là một loài cá cảnh đẹp cho bể cá cảnh và hồ thủy sinh. Cá trân châu có 3 màu sắc cơ bản: trắng, vàng, đen; cá trân châu cũng như cá bình tích là loài cá cảnh dễ nuôi và rất thích hợp cho người mới nuôi cá cảnh.
Cá trân châu có tên khoa học Poecilia spp, Tên Tiếng Anh: Sailfin molly hay còn được gọi với cái tên Mô ly; Trân châu
Bộ: Cyprinodontiformes (bộ cá sóc), Họ: Poeciliidae (họ cá khổng tước), chung dòng họ với cá bảy màu.
Cá mô ly trên thị trường rất hiếm gặp dạng thuần chủng, cá có nguồn gốc từ các loài: Poecilia latipinna; Poecilia sphenops; Poecilia velifera
Nguồn gốc: Cá nhập nội từ thập niên 50, ban đầu chỉ có dạng hắc bố lũy, đến thập niên 70 có thêm mô ly trắng, thập niên 90 có thêm dạng mô ly vàng và bông, bình tích vàng và đen, năm 2002 có thêm bình tích trắng …. Cá đã sản xuất giống phổ biến trong nước.
Một số loài cá mô ly và bình tích đẹp
Cá trân châu trắng trống có kỳ lưng (vây lưng) rất rộng và rất đẹp (con ở trên), cá mái (con bên dưới trong ảnh) thì kỳ ngắn hơn và cái bụng luôn to vì nó mang thai liên tục.
Hình thức sinh sản: Đẻ con, mắn đẻ và dễ sinh sản. Cá thường bị lai tạp giữa các loài trong giống và các loài cá lai khác tạo ra các màu lai rất đa dạng, nhưng đa phần cá lai tạp rất xấu, một số trường hợp hiếm hoi tạo ra những đàn cá con lai rất đẹp.
Ảnh những con cá trân châu con mới đẻ. Cá con này là con của loại trân châu màu vàng tươi thuần chủng không lai tạp nên có màu hơi vàng nhẹ lúc mới đẻ, lớn lên sẽ có màu vàng tươi rất đẹp.
Cách nuôi cá mô ly, trân châu
Bể cá cảnh nuôi cá mô ly nên rộng tối thiểu khoảng 20 L nên có nhiều loại cây thủy sinh tạo môi trường sống tốt cho cá, hồ nuôi cá giống sinh sản thường có kích thước rất lớn và người ta thường nuôi trong những ao lớn ngoài đồng để sản xuất cá số lượng lớn.
Cá mô ly hiền lành và có thể nuôi thành từng đàn lớn, rất ít khi gặp trường hợp đánh nhau giữa các con mái hay những con trống với nhau, có thể chúng giựt chồng giựt vợ lẫn nhau nên xảy ra xô xát là chuyện bình thường, nếu bạn nuôi trong bể lớn thì cũng không cần quá quan tâm nhưng nếu nuôi trong bể nhỏ thì cho những con hung hăng thích gây sự ra đảo sống một mình cho biết thân biết phận.
Chăm sóc và thay nước: Cá khỏe, dễ nuôi, thích ứng nước từ ngọt đến lợ, ưa độ mặn 5 – 10‰. Tránh môi trường nước mềm và axít vì cá dễ bị bệnh rung thân. Nước nuôi cá và thay nước phải là nước cũ (nước giếng bơm lên để ngoài không khí khoảng 3 ngày rồi mới thả cá) nhằm đảm bảo lượng chlor trong nước đã bị phân hủy hết đồng thời Oxi trong nước tăng thích hợp cho việc nuôi cá.
Cá ăn tạp và rất dễ nuôi, bạn có thể cho cá ăn thực phẩm dạng viên cho cá cảnh mua khoảng vài ngàn một bịch ở tiệm cá cảnh hoặc lâu lâu đổi khẩu phần ăn cho cá bằng các loại ấu trùng nhỏ như: lăn quăn, trùng chỉ tạo sự ngon miệng và thích thú cho cá. Ngoài ra cá còn ăn một số loại thức ăn có sẵn torng hồ thủy sinh như: tảo, mùn bã hữu cơ, … giúp làm sạch nước.
Một số thông số chi tiết cho bể nuôi cá trân châu:
Phân bố: Châu Mỹ
Chiều dài cá (cm): 4 – 18
Nhiệt độ nước (C): 24 – 28
Độ cứng nước (dH): 20 – 35
Độ pH: 7,0 – 8,2
Tính ăn: Ăn tạp
Yêu cầu ánh sáng: Vừa
Yêu cầu lọc nước: Trung bình
Yêu cầu sục khí: Trung bình
Loại thức ăn: Tảo, mùn bã hữu cơ, trùng chỉ, thức ăn viên …
Chiều dài bể: 60 – 80 cm
Thiết kế bể: Bể trồng nhiều cây thủy sinh và có không gian rộng vì cá hoạt động tích cực. Cá cũng thích hợp trong bể nuôi chung.