Cá Rồng Trân Châu Úc có tên khoa học: Scleropages Jardini, hay Osteoglossum Jardini. Cá rồng trân châu có những đốm màu trắng nhỏ trên vây lấp lánh như những ngôi sao rất đẹp. Cách nuôi loài cá rồng này cũng tương đối giống các loài cá rồng khác.
Tên tiếng Anh: Australia Pearl Arowana, Gulf Saratoga, Jadini Arowana.
Nguồn gốc: thuộc họ Osteoglossidae ở châu úc.
Môi trường nước thích hợp: nhiệt độ khoảng 23 – 26°c, độ pH khoảng 6.5 – 7.8, độ cứng dH khoảng 8-16.
Chiều dài cá trưởng thành: tối đa 80cm.
Tuổi thọ: khoảng 10 – 20 năm.
Đặc điểm của cá rồng trân châu:
Cá Rồng Trân Châu có hình dáng tương tự như cá Rồng ở châu Á, nhưng vảy của chúng nhỏ hơn và có nhiều chấm đỏ đậm hay nâu. Cơ thể của cá Rồng Trân Châu thường có màu vàng đồng nhạt, vảy có hình bán nguyệt xếp chồng lên nhau tới 7 tầng (các loại cá Rồng khác chỉ 5 tầng). Các bộ phận vây thường có màu đen và điểm các chấm vàng hay bạc. Trân Châu có kích thuớc nhỏ hơn so với các loại cá Rồng khác.
Trong các loại cá rồng, Trân Châu thuộc loại có tính khí hung dữ nhất và không thích hợp để nuôi ghép.
Đặc điểm sinh trưởng và sinh sản
Cá Rồng Trân Châu sẽ trưởng thành khi được 3-4 năm tuổi. Cá trống thường có vây hậu môn dài hơn cá mái. Cá mái có thân hình tròn trịa, bụng hơi căng.
Muốn cho Trân Châu sinh sản trong môi trường nuôi nhốt phải chuẩn bị một cái bể hình vuông có kích thước tối thiểu là 2m, nếu bể có kích thước nhỏ thì việc sinh sản khó thành công.
Khi cá bắt cặp với nhau, cả hai con sẽ lượn vòng quanh nhau, và động tác này sẽ kéo dài có khi cả tuần, sau đó cá mái mới đẻ trứng. Thời gian cá mái đẻ trứng thường vào bổi chiều, mỗi lần đẻ khoảng 70 – 100 trứng.
Sau khi cá mái đẻ xong, cá trống sẽ bơi tới và thụ tinh cho trứng, sau đó ngậm trứng vào miệng. Sau khoảng 2 tháng kể từ khi cá mái đẻ, trứng nở thành cá con trong miệng cá trống. Từ tháng thứ 2 trở đi kể từ khi cá con ra đời, có thể tách cá con sống riêng với cá bố mẹ.
Cách nuôi cá rồng Trân Châu
Bể nuôi: đối với cá trưởng thành, bể nuôi phải có kích thước tối thiểu là 1,5m. Bể phải có nắp đậy và phải trang bị hệ thống máy lọc nước và máy sục khí. Đèn chiếu sáng trong bể phải được bật tối thiểu 12 tiếng đồng/ ngày.
Thức ăn: thức ăn chủ yếu của Trân Châu là trùn đất, cá, tôm, dế, gián. Ngoài ra cần phải tập cho cá ăn thức ăn dạng viên nhằm cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cá phát triển.